Không chỉ giàu vitamin C giúp tăng sinh collagen, loại quả này còn chống nắng, bảo vệ collagen. Vào mùa hè, chị em không nên bỏ qua.
Loại quả giàu vitamin C có công dụng tăng sinh collagen cho làn da
Đó chính là quả dâu tây! Theo Healthline, giống như những thực phẩm giàu vitamin C khác, dâu tây có công dụng tăng sinh collagen cho làn da trẻ mãi. Tuy nhiên, trong dâu tây còn rất giàu axit ellagic. Chính những hoạt chất này có tác dụng bảo vệ da khỏi ánh nắng vô cùng mạnh mẽ. Chúng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, ngăn ngừa sự phá hủy collagen. Nó cũng ngăn ngừa nếp nhăn. Do đó giúp làn da của bạn trông khỏe mạnh và trẻ trung hơn.
Axit ellagic và chất chống oxy hóa trong dâu tây giúp bảo vệ da chống lại tác hại của các gốc tự do. Các yếu tố môi trường như căng thẳng, ô nhiễm và tia UV có hại gây ra stress oxy hóa trên da, khiến da trông xỉn, sạm và già đi nhanh hơn. Khi được bổ sung axit ellagic, vitamin C từ dâu tây sẽ cải thiện làn da thấy rõ.
Trong dâu tây còn chứa axit Alpha Hydroxy (AHA). Theo DS Hà Khắc Huy (làm việc tại Hà Nội), chất này có lợi cho việc làm trắng da bằng cách cải thiện sản xuất collagen. Dâu tây có chứa AHA giúp loại bỏ tế bào chết và làm sạch da. Chúng giúp trẻ hóa làn da bị tổn thương, mang lại cho bạn một làn da sáng.
Đặc biệt là vùng da mắt. AHA trong dâu tây nhẹ nhàng tẩy tế bào chết cho khu vực này, dẫn lưu các hạch bạch huyết và giúp da mịn màng hơn rất nhiều. Bạn sẽ có đôi mắt sáng trẻ hơn, giảm quầng thâm, đốm đen thấy rõ.
Chúng cũng cực tốt cho làn da có nhiều khuyết điểm. Cụ thể, axit salicylic và axit ellagic trong dâu tây giúp điều trị chứng tăng sắc tố, đốm đen, mụn trứng cá và sẹo mụn. Bạn sẽ có làn da không chỉ tràn đầy collagen mà còn sạch, trong nhờ thông thoáng lỗ chân lông, tế bào chết, bụi bẩn, tạp chất… đều được loại bỏ.
Dâu tây còn có những công dụng gì khác?
1. Tăng miễn dịch
Theo Healthline, vitamin C trong dâu tây giúp tăng cường miễn dịch thông qua khả năng chống oxy hóa của nó. Hoạt động như một chất chống oxy hóa, vitamin C hỗ trợ các tế bào của hệ thống miễn dịch bằng cách bảo vệ chúng khỏi những tổn thương có thể xảy ra khi cơ thể có phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C ảnh hưởng tích cực đến hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích sản xuất và chức năng của các tế bào bạch cầu.
2. Giảm viêm
Theo NCBI, dâu tây giàu polyphenol. Đây là chất quan trọng được tìm thấy trong thực vật có thể bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do viêm nhiễm. Do đó, ăn dâu tây thường xuyên giúp giảm viêm đáng kể.
3. Giảm đau nhức xương khớp
Do đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của dâu tây, một thử nghiệm chéo ngẫu nhiên đã xem xét vai trò của dâu tây trong việc giảm đau ở những người bị viêm xương khớp.
Trong nghiên cứu này, 17 người tham gia được xếp ngẫu nhiên vào nhóm giả dược hoặc nhóm tiêu thụ 50g dâu tây mỗi ngày trong 12 tuần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nhóm ăn dâu tây giảm đau nhiều hơn. Đây là một nghiên cứu rất nhỏ. Tuy nhiên, nó cho thấy việc đưa dâu tây vào chế độ ăn uống của một người có thể giúp kiểm soát cơn đau nhức xương khớp rất tốt.
4. Phòng chống ung thư
Giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là axit ellagic, dâu tây được đánh giá có tác dụng ngăn ngừa hoặc làm chậm các bệnh mãn tính.
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư. Chỉ riêng dâu tây sẽ không ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư. Tuy nhiên, chúng có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh chứa đầy các đặc tính chống ung thư.
5. Cải thiện cholesterol HDL
Cholesterol HDL là loại cholesterol “tốt” vì có lợi cho cơ thể bằng cách hấp thụ lượng cholesterol dư thừa trong máu và vận chuyển đến gan, sau đó được loại bỏ. Nồng độ cholesterol HDL cao có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Một thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên năm 2008 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng cho thấy, những người tham gia ăn một lượng quả mọng vừa phải (trong đó có dâu tây) tăng đáng kể lượng cholesterol HDL so với nhóm đối chứng.
6. Có lợi trong điều trị hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng (lượng đường trong máu, huyết áp, chất béo trung tính trong máu đều cao, cholesterol HDL thấp và vòng eo lớn) làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Một người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa khi họ có từ 3 tình trạng này trở lên.
Dâu tây có thể giúp ngăn ngừa và điều trị hội chứng chuyển hóa do thành phần dinh dưỡng của chúng. Tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, thực phẩm giàu chất xơ là một phương pháp ăn uống điều trị hội chứng chuyển hóa. Trên thực tế, một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2010 cho thấy, những người dùng đồ uống có chứa dâu tây (tương đương với 3 cốc dâu tây mỗi ngày) có mức cholesterol LDL thấp hơn.
7. Hỗ trợ sức khỏe não bộ
Nghiên cứu mới nổi đang phát hiện ra rằng, một trong những nguyên nhân gây suy giảm nhận thức là do không tiêu thụ đủ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Dâu tây giàu polyphenol và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp ngăn ngừa stress oxy hóa, viêm nhiễm.
Một nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều dâu tây hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do vitamin C và polyphenol có trong loại quả mọng này.
8. Tốt cho tiêu hóa
Với hàm lượng chất xơ dồi dào (một cốc dâu tây thái lát chứa khoảng 3,5g chất xơ), dâu tây rất tốt cho đường tiêu hóa. Chất xơ chính được tìm thấy trong dâu tây là chất xơ không hòa tan. Chúng sẽ đi qua đường tiêu hóa một cách nguyên vẹn, bổ sung số lượng lớn vào phân, giúp chuyện đi tiêu dễ dàng hơn.
9. Giảm các triệu chứng trầm cảm
Dâu tây không chỉ ngon mà còn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy, dâu tây rất giàu folate. Một vài nghiên cứu nhỏ phát hiện những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm có lượng folate thấp hơn so với những người không bị trầm cảm.
Tiêu thụ nhiều folate sẽ không chữa được chứng trầm cảm. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu folate có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm. Ăn dâu tây chính là một giải pháp.
10. Tốt cho tim mạch
Dâu tây giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng cholesterol HDL. Giảm thiểu mức cholesterol là một cách để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy, dâu tây cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến chức năng nội mô (các tế bào lót mạch máu) nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn về chủ đề này.