Lưu Thiên Hương cho biết cô mâu thuẫn với NSƯT M.H, bị ném điện thoại vì tranh cãi chuyên môn trong quá trình chấm thi. Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề gây tranh luận, các nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ lên tiếng về chuyện có nên “cấm học sinh thi hát beat đã master” hay không.
Vụ tranh cãi chuyên môn, ném điện thoại ồn ào giữa Lưu Thiên Hương và NSƯT M.H
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương sốc khi bị giảng viên công tác tại Nhạc viện TPHCM ném điện thoại vào người. Cô có quay video đi kèm làm bằng chứng. Chia sẻ với Tiền Phong, nhạc sĩ cho biết sự việc diễn ra trong kỳ thi cuối kỳ của Khoa âm nhạc công nghệ Jazz Pop Rock, cô tranh cãi vấn đề chuyên môn với thạc sĩ, NSƯT M.H khi giảng viên không đồng ý việc sinh viên dùng laptop xử lý âm thanh, hát beat đã “master”.
“Thật nguy hiểm khi thời nay vẫn có giảng viên thanh nhạc, thậm chí nhạc nhẹ không hiểu master là gì và cấm học sinh thi hát beat đã master ” – Lưu Thiên Hương chia sẻ.
Nhạc sĩ nói đã giải thích chuyên môn với NSƯT M.H nhưng không nhận được sự đồng ý. Do thấy có những câu nói xúc phạm, sai căn cứ nên cô dùng điện thoại quay bảo vệ bản thân. “Chị H. có hành vi ném điện thoại vào người tôi, may mắn tôi tránh được”, Lưu Thiên Hương nói.
Sự việc đang gây tranh cãi trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều đồng nghiệp của Lưu Thiên Hương đặt ra câu hỏi về vấn đề chuyên môn khiến mâu thuẫn nổ ra.
Ca sĩ Dũng Joon viết: “Thật sự tôi không hiểu beat đã master ảnh hưởng gì đến việc trình diễn nữa”, một khán giả bình luận: “Sao cổ hủ vậy, phải cập nhật theo kịp thời đại chứ. Đã master thì càng nét, càng chất lượng để sinh viên có những sản phẩm tốt và yêu thích việc học hơn”, tài khoản khác để lại ý kiến: “Như bật beat hát karaoke thay vì đệm piano mà không đúng tinh thần bài thôi, các ngành khác còn gọi là backing track”…
Beat đã “master” là gì? Liệu có ảnh hưởng đến giọng hát của sinh viên trong quá trình chấm thi
Trao đổi với Tiền Phong, ca sĩ Hải Yến Idol cho biết beat đã “master” có thể hiểu nôm na là beat nhạc đã qua khâu xử lý về các dải tần âm thanh, cho ra chất lượng âm tốt nhất, giúp phần nhạc sạch sẽ trau chuốt, phục vụ việc hát live.
Cá nhân giọng ca Sao Mai điểm hẹn 2008 không ủng hộ việc cấm sinh viên hát beat đã “master”. “Nếu để nhận xét, chấm thi giọng học viên, giám khảo sẽ không chấm beat. Họ sẽ chấm quá trình sinh viên đó như thế nào, kết quả thi ra sao, cách sinh viên thể hiện trên sân khấu. Đó là điều tôi cảm thấy vô lý” – Hải Yến Idol cho hay.
Theo Hải Yến Idol, “master” không thể biến câu chữ A nó thành chữ O. Bản thân là giám khảo của nhiều cuộc thi, cô cho rằng dùng beat đã “master” không ảnh hưởng đến chất lượng nghe của người thẩm định:
“Khi chấm tôi đánh giá người này biết chơi trên phần nhạc của mình hay không, đưa cho bạn hát pop phải đúng chất pop, R&B phải ra R&B… Đấy là người có va chạm, biết cách xử lý trên từng chất liệu nhạc”.
Ca sĩ sinh năm 1986 luôn ủng hộ việc cho sinh viên sử dụng và tiếp cận với những gì tốt đẹp nhất, trong đó có beat tốt.
“Xưa là sinh viên khoa Thanh nhạc nhạc nhẹ của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi không có điều kiện để có beat nhạc hay để đi thi. Có được beat hay sẽ hỗ trợ thí sinh, chứ không làm thay đổi về mặt kết quả trước những người có thâm niên chấm thi nhiều năm như các thầy cô giáo. Họ sẽ nghe và bóc tách giọng hát, beat chỉ là công cụ nâng đỡ, hỗ trợ chứ không thay đổi giọng hát.
Ví dụ bây giờ có rất nhiều beat hay nhưng người hát dở vẫn hoàn dở. Không thể nào đánh đồng, lẫn lộn chuyện dùng beat trong chấm thi”.
Top 6 Vietnam Idol 2007 nêu quan điểm nên để học sinh, sinh viên sớm tiếp xúc với những beat nhạc có chất lượng, tạo cơ hội cho các bạn cọ xát, phân biệt hay, dở ra sao.
“Khi các sinh viên tốt nghiệp, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, các em phải làm việc, hát trên beat chuyên nghiệp. Không thể nào đi dùng beat kém chất lượng đem đi diễn được.
Tiếng nhạc đánh trên vi tính, làm sao âm thanh phát ra gần giống với nhạc cụ thật, đó là beat hay, cộng với việc sử dụng âm thanh có sẵn trên máy tính, phù hợp với chất liệu âm nhạc như R&B, pop, rock, dance… để các bạn có cơ hội tiếp tục sớm, định hình phong cách âm nhạc qua beat nhạc.
Khi cho các bạn tiếp xúc với beat đã ‘maáter’, được chọn lọc kỹ càng, các bạn sẽ có phần nhận xét và tìm được cho mình thể loại âm nhạc phù hợp, tránh sự bỡ ngỡ. Thời sinh viên tôi cũng trải qua thời gian này, đi mò mẫm, xin beat hay của anh chị khóa trước” – ca sĩ kể.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Tuấn Hồ đang phân vân về tranh cãi cấm không hát beat hay được hát beat giữa NSƯT M.H và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương. Anh cũng khẳng định với Tiền Phong việc dùng beat đã “master” không hề ảnh hưởng đến việc ca hát.
“Beat đã master là sản phẩm hoàn chỉnh đưa đến công chúng, chỉnh lại tần suất âm thanh thật gọn ghẽ, êm tai.
Ví dụ bài hát là phần thể hiện, khi hát live cần beat đi kèm giúp nghệ sĩ hát trực tiếp trên beat. Tất cả làm tôn thêm phần thể hiện sinh động, cho thấy sự đầu tư về sản phẩm, chứ không ảnh hưởng đến giọng hát” – nhạc sĩ Tuấn Hồ nói.
Theo Hà Trang (Tiền Phong)