Bố mẹ chở bệnh nhi bằng xe máy nhưng do đường cát trơn trượt nên đã bị tai nạn ngã xe. Sau đó phần đầu bên trái của bé có vết sây xát da, lõm thái dương đỉnh trái, các bác sĩ chẩn đoán bé bị lún sọ não.
SKĐS – Bố mẹ chở bé 2,5 tháng đi bằng xe máy nhưng do đường cát trơn trượt nên không may bị ngã xe. Sau vụ tai nạn, phần đầu bên trái của bé có vết sây sát da, lõm thái dương đỉnh trái, các bác sĩ chẩn đoán bé bị lún sọ não.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhi là H.T.H (2,5 tháng tuổi), trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Gia đình bệnh nhi cho biết, bé bị tai nạn khi được bố mẹ chở đi. Sau tai nạn bé tỉnh táo, có quấy khóc, phần đầu bên trái có vết sây sát da, lõm thái dương đỉnh trái, được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa cấp cứu sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị.
Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị lún sọ vùng thái dương đỉnh trái và có chỉ định mổ nâng lún sọ não.
Sáng ngày 22/5, kíp mổ khoa Ngoại Thần kinh và khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật nâng lún xương sọ não.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi (ảnh BVCC).
Sau gần 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Kíp mổ thực hiện mở hộp sọ với kích thước khoảng 2cm, lấy bỏ máu tụ, nâng xương sọ bị lún và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng cho bệnh nhi thuận lợi và thành công. Sau mổ, các chỉ số sinh tồn và sức khoẻ bệnh nhi ổn định, bé được điều trị, theo dõi tại khoa Ngoại Thần kinh của bệnh viện.
BSCK II Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (trưởng kíp mổ cho bệnh nhi H.) cho hay, đây là một trong số những ca phẫu thuật cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tại bệnh viện. Bé gái mới chỉ 2,5 tháng tuổi, nặng hơn 5kg, cơ thể và não bộ còn rất non nớt, nên từ khâu gây mê hồi sức cho đến suốt quá trình thực hiện phẫu thuật, cả kíp mổ của khoa Ngoại Thần kinh và khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đều đã phối hợp rất tốt, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng thao tác kỹ thuật.
Bác sĩ CK I Ma Công Thanh, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (bác sĩ trực tiếp gây mê cho bệnh nhi H.) cho rằng, vì trẻ chỉ mới 2,5 tháng tuổi nên cần phải tính toán lượng thuốc gây mê đúng liều lượng và chính xác, kích cỡ ống nội khí quản phù hợp với lứa tuổi, kỹ thuật thao tác gây mê hồi sức phải chuẩn, kèm theo trang thiết bị y tế đầy đủ, đồng thời theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của trẻ trong quá trình gây mê, đảm bảo vô cảm tốt cho trẻ.
Bệnh nhi sau ca phẫu thuật. (ảnh BVCC)
Từ trường hợp này, BS. Minh cho biết, tình trạng lún sọ thường gặp ở trẻ nhũ nhi (trẻ dưới một tuổi). Nguyên nhân thường do tai biến khi sinh, trẻ bị ngã khi tập đứng, tập đi hoặc ngã từ trên cao xuống. Vị trí thường bị lún ở hộp sọ là vùng đỉnh đầu. Phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và chăm sóc bé đề phòng trẻ ngã và bị chấn thương.
Đối với phần sọ não bị lún mà không xử trí đúng chỉ định thì nguy cơ ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh của bé về sau là rất cao như động kinh, vỡ sọ tiến triển, rò dịch não tủy dưới lớp cân trên sọ (Galea)…Vì vậy, bệnh nhi được phẫu thuật nâng lún sọ não kịp thời sẽ phòng tránh các nguy cơ biến chứng về sau.