Theo chuyên gia, nhân vật Mai trong phim chiếu Tết của Trấn Thành thất bại về mặt tâm lý. Đáng ra, Mai nên mỉm cười chấp nhận số phận, thay vì khóc lóc ở cuối phim khiến khán giả ức chế.
Trấn Thành là đạo diễn đầu tiên kiếm được 1.000 tỷ đồng nhờ Mai.
Mai đang đứng đầu doanh thu phòng vé Việt với hơn 163 tỷ đồng (tính đến trưa 14/2 ).
Mai lập kỷ lục phim Việt đạt 100 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời.
Đó là bề nổi của bộ phim 18+ đang gây sốt phòng vé đến từ đạo diễn, nhà sản xuất Trấn Thành.
Song, chuyên gia đánh giá Mai không dở, nhưng chắc chắc không phải bộ phim xuất sắc. Nội dung, cách dàn dựng còn mang tính đạo lý của Trấn Thành, kèm theo đó là sự mâu thuẫn trong tính cách của nữ chính, khiến người xem ức chế.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần tình tiết phim
Bộ phim “chữa nát” tâm hồn?
Sau hai bộ phim đề tài gia đình, Trấn Thành mạo hiểm sản xuất phim tình cảm, tâm lý. Trở lại đường đua phim Việt mùa Tết, đạo diễn gửi đến khán giả tác phẩm Mai , gắn mác 18+.
Mai kể về cô gái hành nghề massage tên Mai ( Phương Anh Đào ). Cô có quá khứ đau thương, bị cha ruột ép bán trinh lấy tiền. Sau khi tự tử bất thành, cô trở thành mẹ đơn thân, kiếm sống ở TPHCM nuôi con và người cha nghiện cá độ bóng đá.
Vì bất mãn với cha, Mai dọn đến sống ở chung cư cũ, nơi cô gặp Sâu (Tuấn Trần), thanh niên sống mộng mơ, sát gái và cuối cùng “bỏ tất cả vì Mai”.
Mai rơi vào lưới tình với thanh niên nhỏ hơn chục tuổi. Bi kịch ập đến khi cô bị mẹ của Sâu là Đào (nghệ sĩ Hồng Đào), ngăn cách tình cảm. Trong khi trước đó, Đào là người chị “trên bến dưới thuyền”, luôn ủng hộ Mai vì yêu cứ đâm đầu. Sau cùng, bản năng người mẹ khiến Đào quay ngoắt thái độ, dùng mọi cách cấm đoán chuyện tình của hai người.
Đồng nghiệp chơi xấu. Hàng xóm mắng mỏ. Cha mượn nợ nửa tỷ đồng. Mẹ của người yêu dằn vặt, đào bới quá khứ. Mọi bi kịch đớn đau nhất ập đến với Mai. Cô chọn cách rời xa người yêu.
Sau cùng, Sâu tìm được hạnh phúc. Riêng Mai trở thành doanh nhân thành đạt, nhưng cô đơn, gặm nhắm nỗi đau từ 4 năm trước.
Sau bộ phim, khán giả tranh luận nhiều về Mai. Nhân vật của Phương Anh Đào khiến khán giả khóc, buồn, nhưng không mang lại hy vọng cho người xem, thậm chí bị cho là chống chỉ định cho những người mẹ đơn thân như Mai.
“Xem xong bộ phim, những người mẹ đơn thân như tôi phải làm sao. Cuối cùng, người khổ vẫn là phụ nữ, khổ vì tình, khổ vì gia đình và nhìn người khác đang hạnh phúc, khóc một mình trong ôtô?”, khán giả bình luận.
Khán giả khác lại cho rằng phụ nữ vật vã vì tình yêu như Mai, cuối cùng không vượt qua được gì. Tưởng chừng nhân vật Sâu chờ đợi Mai sau bốn năm (dù ngoài đời hiếm có chuyện đó xảy ra), Sâu “đi đúng” với tâm lý đàn ông lúc chia tay là không chờ đợi và tìm kiếm hạnh phúc khác.
Sau câu thoại “Cảm ơn vì đã không đợi em”, Mai bùng nổ cảm xúc, khóc thương cho chuyện tình, dù đã qua 4 năm.
“Mai là bộ phim không có hy vọng, chẳng có tí ánh sáng để phụ nữ đơn thân bám vào. Đó là bộ phim chữa nát tâm hồn. Nghệ thuật là phải bế tắc thế này?”, khán giả khác bình luận.
Trên diễn đàn phim, khán giả cho rằng phim của Trấn Thành dù thể hiện nữ quyền, nhưng đi theo lối mòn male gaze (nhãn quan nam giới).
Nghĩa là, nam giới từ Nhà bà Nữ sang Mai đều hèn mọn, nhưng mọi bi kịch của bà Nữ cho đến Mai đều do đàn ông mà ra. Và khi bi kịch ập đến, thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, họ chọn dằn vặt, bỏ đi, để cuối cùng đau khổ như Mai.
“Tại sao phái nữ luôn phải dằn vặt vì nam giới. Chất male gaze đậm đặc trong phim của Trấn Thành nhiều khi khiến nhiều khán giả nữ phải ức chế, dù họ không phủ nhận sự cố gắng, ngày càng chỉn chu của Trấn Thành”, một độc giả khác cho ý kiến.
“Phim của Trấn Thành không xuất sắc”
Trả lời Tiền Phong, nhà thơ – nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt – nhận định Mai (phim) mang đậm dấu ấn Trấn Thành, khiến Mai (nhân vật) bị thất bại về mặt tâm lý.
Nhà phê bình đồng ý với khán giả quan điểm phần kết phim chưa ổn, nhất là khi Mai khóc trên xe, rời đi sau câu “Cảm ơn anh vì đã không đợi em”.
“Giọt nước mắt của Mai không phải của người trưởng thành. Đó là giọt nước mắt của kẻ yếu đuối, cảm thấy bị tổn thương. Trải qua hành trình dài (4 năm), Mai phải hiểu được rằng cả hai đúng người, sai thời điểm. Lẽ ra Mai phải mỉm cười, cái kết lúc đó sẽ trọn vẹn hơn nhiều”, chuyên gia nhận định.
Nhà phê bình Phong Việt so sánh cái kết của Mai mang phong vị La La Land. Ở cảnh kết của bộ phim do Emma Stone và Ryan Gosling đóng chính, nó trọn vẹn khi hai nhân vật nhìn nhau mỉm cười, trái ngược với cái kết của Mai.
“Mai khóc ở cuối phim là sự thất bại về cảm xúc. Mai phải cười, có chăng chỉ nên rơi giọt nước mắt và hài lòng với điều đó, thay vì sống trong quá khứ. Vì trước đó, Mai đã chấp nhận rời đi và dặn dò Sâu không đi tìm cô”, chuyên gia nói thêm.
Nhà phê bình cho biết anh rất tiếc cảnh kết của phim. Sau cùng, Mai là nhân vật quá lụy tình, không tự thoát được số phận. Trong khi cái khán giả cần là hình ảnh người phụ nữ sau khi bị cuộc đời dằn xéo, vùi dập, phải trở thành người mạnh mẽ.
“Điều chúng ta mong đợi ở người phụ nữ Việt Nam, đó là dù cuộc đời không thương bạn, bạn vẫn sống sót và bước tiếp. Cảnh Mai nức nở dẫn người khác đến cảm xúc phụ nữ bị tổn thương. Do đó, tôi nghĩ nhân vật Mai đang bị thất bại về mặt cảm xúc”, nhà phê bình nhận định.
Về việc Mai khiến phụ nữ làm mẹ đơn thân ức chế, nhà phê bình nói “không hẳn”. Ban đầu, nhà sản xuất nói làm phim Mai để nói về việc người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh, nhưng cuối cùng không giải quyết triệt để, nhưng không đến mức chống chỉ định với mẹ đơn thân, phụ nữ U40.
“Lẽ ra, phim phải truyền được động lực cho những người mẹ đơn thân. Họ không thể chỉ vì cuộc tình tan vỡ mà để nỗi buồn đeo bám tận vài năm sau. Tình yêu chỉ là một phần trong cuộc sống. Nếu Mai chọn cách chấp nhận và mỉm cười, bộ phim trọn vẹn hơn nhiều”, anh nói thêm.
Sự mâu thuẫn của Mai từ việc yêu cầu Sâu không được đợi mình, khóc nức nở sau bốn năm gặp lại tình cũ khiến câu nói “Cảm ơn anh vì đã không đợi em” phi lý, có phần không khớp tâm lý.
“Chính vì câu nói đó, trước đó là ‘Em thử yêu anh đi, nếu thất bại thì anh là quá khứ, nếu thành công thì anh là tương lai’ khiến người ta buồn cười và nhận định Mai bị thất bại về mặt tâm lý, tức là chưa trọn vẹn”.
Khi được hỏi về việc Trấn Thành vẫn nói đạo lý trong bộ phim tình cảm, tâm lý, nhà phê bình nói đó là màu sắc của Trấn Thành, khán giả sẽ không bao giờ thoát khỏi điều đó.
“Ít nhất sau hai bộ phim về đề tài gia đình, phim của Trấn Thành phát triển đề tài tình yêu, đó là sự thay đổi mạnh, dù chưa triệt để. Dưới góc độ người theo dõi phim, tôi thấy sự thay đổi này đáng được ủng hộ dù trong phim, có những tình tiết nói đạo lý hơi phi lý. Và cuối cùng, Mai không phải là bộ phim dở, nhưng nói xuất sắc thì chưa”, nhà phê bình Phong Việt nhận định.
Theo Trạch Dương (Tiền Phong)