Aquaman 2 giàu tính giải trí tuy nhiên vẫn không thoát được điểm trừ cố hữu của những bom tấn siêu anh hùng gần đây với kịch bản phim an toàn, cũ kỹ.
Aquaman and The Lost Kingdom (Aquaman và Vương Quốc Thất Lạc) là phần phim cuối cùng còn sót lại của vũ trụ siêu anh hùng DC do đạo diễn Zack Snyder lĩnh xướng trước khi chuyển giao lại cho James Gunn. Vì vậy, mặc cho thành công vang dội của phần 1 năm 2018, bom tấn này vẫn khiến nhiều người hâm mộ nghi ngại trở thành một dự án thuộc dạng “bỏ thì thương, vương thì tội” của hãng phim.
Tuy nhiên, Aquaman với phần thể hiện của tài tử cơ bắp Jason Momoa vẫn là một siêu anh hùng được đông đảo khán giả yêu thích. Mặc cho những ồn ào bên lề, bộ phim cuối cùng cũng ra rạp một cách tương đối trọn vẹn nếu không xét đến yếu tố góp phần phát triển mạch chuyện chung của cả Vũ trụ Điện ảnh DC.
Bộ phim gia đình hài hước, mãn nhãn
Nội dung Aquaman 2 nối tiếp câu chuyện của phần trước, tiếp tục theo chân Arthur Curry (Jason Momoa đóng) – người đã trở thành vua của vùng biển Atlantis. Anh cưới Mera (Amber Heard thủ vai) và có một cậu con trai. Mặc cho nhiệm vụ trị vì vương quốc dưới đáy đại dương, cả gia đình vẫn duy trì một cuộc sống yên bình trên đất liền.
Với trọng trách mới, Arthur dần trở nên nhàm chán với công việc triều chính buồn tẻ, suốt ngày họp hành mà không có cơ hội ra ngoài thực chiến. Niềm an ủi duy nhất của anh là mỗi tối được về vui chơi cùng cậu con trai bé nhỏ của mình.
Cùng lúc này, David Kane – tức ác nhân Black Manta – phát hiện ra một báu vật cổ xưa là cây đinh ba đen quyền lực từng thuộc sở hữu của vị vua trị vì một vương quốc cổ xưa dưới đáy đại dương nay đã lụi tàn. Với nguồn sức mạnh ma quái này, hắn lên kế hoạch trả thù Aquaman.
Kẻ phản diện dẫn đội quân của mình đi khắp thế giới chiếm lại các kho chứa orichalcum – một loại khoáng vật từng được những người dân dưới đại dương sử dụng làm nhiên liệu nhưng đã bị cấm từ lâu vì ảnh hưởng xấu tới môi trường. Tuy nhiên, chính Black Manta cũng không biết rằng mình cũng chỉ là một con tốt bị kẻ khác sai khiến nhằm hướng tới một âm mưu khủng khiếp hơn.
Đạo diễn James Wan tiếp tục đi theo công thức thành công của phần 1, tạo nên một bộ phim đơn giản, hài hước và dễ tiếp cận với đa số khán giả. Kịch bản Aquaman and The Lost Kingdom được xây dựng theo hướng một tác phẩm thuộc thể loại hài hước – gia đình, được lồng ghép hàng loạt phân đoạn hành động, kỹ xảo đẹp mắt.
Đường dây chính trong mạch truyện xoay quanh cuộc tái hợp giữa hai anh em Arthur Curry và Orm (Patrick Wilson), những người từng là kẻ thù trong tập trước. Để chống lại âm mưu của Black Manta và bảo vệ Atlantis, họ phải hạ cái tôi của mình xuống và hợp tác chống lại thế lực xấu xa
Hướng đi này khiến Aquaman and The Lost Kingdom trở thành một bộ phim hài – hành động theo mô-típ “buddy cop” quen thuộc của Hollywood, kể về hai nhân vật đối lập tính cách bất đắc dĩ trở thành cộng sự vì mục tiêu chung. Cả Jason Momoa và Patrick Wilson đều hoàn thành tốt vai trò của mình trong tác phẩm.
Nam chính vẫn tiếp tục được đóng một vai sở trường với tính cách có phần ngổ ngáo, khoa trương, gợi nhớ màn thể hiện nhận nhiều lời khen ngợi trong Fast X. Đặc biệt, các phân đoạn về việc cân bằng giữa sứ mệnh làm vua của Atlantis và làm bố trẻ con được anh thể hiện hiện rất tròn trịa. Trong khi đó, Patrick Wilson giữ được sự nghiêm túc, lạnh lùng cho nhân vật của mình nhưng vẫn đủ duyên dáng để “tung hứng” với các màn tấu hài của bạn diễn trên màn ảnh.
Khâu hình ảnh, âm thanh là điểm sáng lớn nhất của Aquaman and The Lost Kingdom. James Wan thật sự chứng minh được bản thân là người biết cách “xử lý” những dự án bom tấn. Đạo diễn gốc Malaysia rất tập trung vào khâu bối cảnh, xây dựng hàng loạt vùng đất mới thú vị và hùng vĩ trong phim. Anh sử dụng nhiều cú máy rộng để khoe hết vẻ đẹp đó với khán giả trên màn ảnh, đặc biệt với những người lựa chọn thưởng thức tác phẩm tại các phòng chiếu IMAX, 4DX hay ScreenX.
Kịch bản an toàn cùng cái kết hời hợt
Dù mang đến một câu chuyện tròn trịa và hấp dẫn, kịch bản Aquaman and The Lost Kingdom có thể khiến nhiều khán giả khó tính cảm thấy quá rập khuôn, công thức. Bộ phim vận dụng hiệu quả những mảng miếng quen thuộc đã được nhiều nhà sản xuất tại Hollywood sử dụng lại quá nhiều lần trong quá khứ. Người xem không khó để đoán được những tình tiết trong phim sẽ diễn ra như thế nào, đi về đâu. Khâu phát triển tính cách nhân vật cũng không được nhà làm phim quan tâm quá nhiều, dành thời lượng cho các mảng miếng hài và hành động.
Trong suốt thời lượng hơn 2 tiếng, đạo diễn James Wan cũng “nhà hàng” cho người xem một số nút thắt khá thú vị, gợi mở rằng kịch bản phim có nhiều tiềm năng để có thể phát triển theo nhiều hướng rất khác táo bạo hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự lựa chọn dễ hiểu của DC khi dự án được ra mắt vào mùa phim Giáng sinh, hướng tới cộng đồng fan siêu anh hùng và đối tượng khán giả gia đình. Đồng thời, sức hấp dẫn từ nhân vật Aquaman vẫn còn là rất lớn nên không cần quá mạo hiểm để đưa anh ta vào một kịch bản quá rắc rối hay nhiều nút thắt trái khoáy.
Điểm trừ lớn nhất của Aquaman and The Lost Kingdom có lẽ là cái kết có phần hời hợt và sơ sài. Dù hợp lý, nhiều khán giả sẽ cảm thấy chưng hửng vì mọi thứ diễn ra quá chóng vánh. Kế hoạch đầy tham vọng của Black Manta sụp đổ một cách quá dễ dàng. Phản diện bí ẩn của bộ phim được hé lộ và xây dựng khá tốt nhưng không có nhiều đất để xuất hiện ở hồi cuối. Bộ phim nhiều khả năng là tác phẩm cuối cùng trong Vũ trụ Điện ảnh DC của Zack Snyder, trước khi bước sang trang mới với sự chỉ đạo của James Gunn. Vì vậy, nhiều khả năng các nhà sản xuất cũng không muốn tạo cho người hâm mộ quá nhiều hy vọng về những câu chuyện thú vị tiếp theo của Aquaman do Jason Momoa thể hiện.
Chấm điểm: 3,5/5
Aquaman and The Lost Kingdom có thể không phải một bom tấn siêu anh hùng đột phá, vượt qua cái bóng của phần phim trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm giàu tính giải trí với khâu hình ảnh, âm thanh xuất sắc, đủ sức làm vừa lòng đa số khán giả khi ra rạp. Bộ phim cũng là tác phẩm đáng xem nhất Vũ trụ Điện ảnh DC trong năm qua, vượt xa chất lượng của những cái tên như Blue Beetle, The Flash hay Shazam! Fury of the Gods.
Theo Phan Đạt (Phụ Nữ Số)