Kung Fu Panda 4 chắc chắn là phần “ít hay” nhất trong loạt phim, nhưng sau cùng đây vẫn là thước phim tròn trịa.
Sự trở lại của Kung Fu Panda với phần phim thứ 4 khiến không ít khán giả giật mình vì bất ngờ. Đó là cảm giác không khác gì thời điểm Toy Story bất thình lình công bố phần 4, cho Woody và hội đồ chơi một hành trình mới sau cái kết tưởng như không thể viên mãn hơn của phần 3.
Với Kung Fu Panda 4 cũng vậy. Gấu trúc Po đã đi qua gần một thập kỷ của sự khám phá, chấp nhận bản thân, sau đó tìm lại hơi ấm của đoàn viên và nguồn cội, nơi mà mình thuộc về. Sự xuất hiện của “em út” thứ 4 trong thế giới Kung Fu Panda gặp muôn vàn khó khăn, từ kinh phí kém đi hẳn đến sự ra đi của nhiều ngôi sao lớn (tiêu biểu là nhóm Ngũ Đại Hào Kiệt). Hành trình lần này của gấu Po rất may vẫn tròn trịa, dễ xem dễ hiểu nhưng dễ đoán, rõ ràng là một nỗ lực thoát khỏi thất bại trong gang tấc của cả dàn ekip.
Dễ xem nhưng dễ đoán
Với những review đầu tiên từ giới phê bình toàn cầu, Kung Fu Panda 4 sở hữu số điểm 72% trên Rotten Tomatoes – thấp nhất trong cả loạt phim từ trước đến nay. Như đã nói, Kung Fu Panda 4 đối mặt với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan vốn chực chờ nguy cơ biến phim trở thành một “thảm họa”. Chắc chắn, Kung Fu Panda 4 không phải là “thảm họa”. Kung Fu Panda 4 chỉ xuất hiện theo một cách tiệm cận với tình trạng “ngoài ý muốn”, đồng thời phải học hỏi rất nhiều từ phần 1 và cả 2 phần kế, nhưng thiếu đi điểm nhấn riêng.
Nội dung của Kung Fu Panda 4 đưa khán giả đến với hành trình đi tìm hậu duệ Thần Long Đại Hiệp, giống với những gì đã xảy ra ở đầu phần 1. Thế nhưng lần này, gấu Po là người thay Sư phụ tìm câu trả lời này. Một cuộc thi (lại) được tổ chức nhưng cũng không tìm được ai xứng đáng, và giống như phần 1, một cái tên bất thình lình xuất hiện như vì sao rơi – cô cáo Zhen – và là ứng cử viên sáng giá nhất.
Rõ ràng nội dung của Kung Fu Panda 4 có sự “soi chiếu” từ những phần trước, khiến phim trở nên dễ đoán. Với nỗ lực từ ekip, phim chỉ có thể đạt đến trạng thái “vừa đủ”, rõ ràng không có sự bứt phá và độc đáo. Những tình tiết hài vốn làm nên thương hiệu phim cũng kém và nhạt đi, còn có hơi hướng “xào lại” cái cũ. Ngay cả phản diện Tắc Kè Bông vốn rất được trông chờ cũng chỉ tạo nên cái bóng không hồn, “nguy hiểm” ở đoạn đầu nhưng mất chất dần về sau. Kung Fu Panda 4 kết thúc quen thuộc, “chính cũng thắng tà”, gấu Po đánh bại các kẻ thù nhưng không thể khiến người xem thỏa mãn, vì chiến thắng này mang ý nghĩa gì đây?
Không hay bằng 3 phần trước, nhưng… vẫn hay!
Nói đi cũng phải nói lại, Kung Fu Panda 4 không phải là một sản phẩm hoạt hình đầy “sạn”, chắp vá hay được thực hiện một cách thiếu nghiêm túc. Với chỉ kinh phí vỏn vẹn 85 triệu USD, Kung Fu Panda 4 tròn trịa, dễ xem dễ hiểu và phù hợp với đối tượng khán giả nhí mà thương hiệu này vẫn luôn nhắm đến. Chỉ là, dự án khó có thể “thu phục” được những khán giả lớn hơn, những ai vốn đã yêu thích gấu Po từ phần đầu tiên và thậm chí 2 phần kế tiếp.
Điểm cộng lớn nhất của phim đến từ hình ảnh sinh động, với góc quay mang tính “võ hiệp” nhưng pha lẫn một chút màu sắc anime của Nhật Bản. Ngoài ra, các phân đoạn chiến đấu của phim vẫn duy trì được phong độ trước đây, có không ít khoảnh khắc “đắt xắt ra miếng”. Chắc chắn ngay cả những ai không mang nhiều kỳ vọng cũng sẽ phải thích thú với cảnh gấu Po đụng độ… bản thể ác của chính mình, như một “Tôn hành giả – giả hành Tôn” đầy ngộ lạ nhưng thú vị trên màn ảnh 2024.
Chưa kể, dù thiếu đi những ngôi sao cộm cán như Angelina Jolie, Kung Fu Panda 4 vẫn có dàn diễn viên lồng tiếng khá thú vị. Những chất giọng trong phim đều có chất riêng, đồng thời thể hiện được bản ngã của nhân vật. Cô cáo Zhen có sự lém lỉnh riêng qua giọng thoại vốn “mặn mà” của Awkwafina. Phản diện Tắc Kè Bông được bù đắp bởi chất giọng quyền lực của Viola Davis. Ngay cả nhân vật tê tê Han cũng đáng nhớ nhờ giọng nói quá đặc trưng của Quan Kế Huy. Thế nhưng sau cùng, gấu Po vẫn có được hào quang nam chính như nhan đề phim, với vai trò trung tâm vẫn thuộc về Jack Black – sao nam đã dành hết tâm huyết và tình cảm cho chú gấu trúc giỏi kung fu đình đám nền văn hóa đại chúng này.
Chấm điểm: 3/5
Kung Fu Panda 4 chắc chắn là phần “ít hay” nhất trong loạt phim, nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn của một sản phẩm hoạt hình “cộp mác” DreamWorks – tươi mới, đầy màu sắc và tròn trịa đến phút cuối. Gấu Po vẫn làm tốt vai trò của một “anh hùng đại chúng”, xông pha đánh bại kẻ thù bằng sự duyên dáng của mình. Thế nhưng cũng đã đến lúc gấu Po nên nghỉ ngơi, Jack Black cũng nên dừng hành trình “võ hiệp” tại Thung lũng Bình Yên của mình lại. Ngay khi gấu Po cất giọng hỏi “Skadoosh đâu rồi?” ngay đoạn đầu phim, đó đã là dấu hiệu cho thấy thương hiệu này nên chọn giữa 2 hướng rẽ: cần một bước chuyển mình mới, hay đặt một dấu chấm hết thật đẹp ngay tại đây.
Theo Thành Vũ (Phụ Nữ Số)