Cùng với loạt cảnh đánh ghen, những phân đoạn nhân vật uống rượu say xỉn, cảnh giường chiếu trên sóng giờ vàng luôn hút người xem. Tuy nhiên, nhiều khán giả bày tỏ lo ngại khi trẻ em cũng xem được những cảnh phim không phù hợp với lứa tuổi.
Ngập tràn cảnh giường chiếu, đánh ghen
Phim Việt những năm gần đây xoáy sâu vào đề tài cuộc sống hôn nhân, gia đình. Câu chuyện ngoại tình, đánh ghen… trở thành gia vị khó thiếu. Những tình tiết này giúp phim thêm hấp dẫn, nhưng nếu lạm dụng quá đà dễ gây phản tác dụng.
Cảnh nóng của Tùng (B Trần) và tiểu tam Anh Thu (Cù Thị Trà) trên phim Chúng Ta Của 8 Năm Sau đang thu hút sự chú ý của khán giả. Trong tập 28 lên sóng hôm 10/1, Nguyệt (Quỳnh Kool) đã làm một phép thử để kiểm tra lòng chung thủy của chồng.
Kết quả, cô vừa sốc vừa ghê sợ khi người chồng chung sống bao năm quả thực đang ngoại tình. Nguyệt còn đau xót hơn khi đây không phải lần đầu tiên chồng dẫn bồ nhí về nhà. Mẹ của Tùng cũng chứng kiến cảnh hôn hít, ôm ấp của con trai với gái lạ. Bắt gian tại trận, Nguyệt giận dữ tát thẳng mặt Anh Thu.
Trước đó, một số phim Việt có nhiều cảnh đánh ghen gây bão mạng xã hội. Phim Đừng Làm Mẹ Cáu vừa khép lại đầu năm 2023 có nhiều cảnh đánh ghen, dằn mặt bằng vũ lực ở khách sạn lẫn nhà riêng của nhân vật.
Bom tấn truyền hình Thương Ngày Nắng Về có nhiều pha dằn mặt đáng nhớ. Diễn viên Thanh Hòa (vai Liên) cảnh cáo kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình mình bằng câu nói để đời: “Nên nhớ ở đời đã có trà xanh thì sẽ có trà gừng. Mà cái loại ấy thì cay lắm, không nuốt nổi đâu”.
Cảnh bạn thân của Thư (Bảo Thanh) vừa giật tóc vừa mắng Nhã (Quỳnh Nga) ở Về Nhà Đi Con cũng được chia sẻ rầm rộ. “Tại sao trên đời lại có loại người độc ác mà giả vờ ngây thơ nhỉ. Tao chỉ đàng hoàng với những người xứng đáng được tao đàng hoàng. Bản chất cáo già thì đừng láo, nếu không tao chặt cụt đuôi luôn đấy”, bạn thân của Thư đay nghiến. Trích đoạn này được cả triệu người xem trên nền tảng mạng xã hội.
Cùng với loạt cảnh đánh ghen, những phân đoạn nhân vật uống rượu say xỉn, cảnh giường chiếu trên sóng giờ vàng luôn hút người xem. Tuy nhiên, nhiều khán giả bày tỏ e ngại khi trẻ em cũng xem được những cảnh phim không phù hợp với lứa tuổi.
“Hầu hết phim không có cảnh báo về hình ảnh nhạy cảm hay giới hạn độ tuổi người xem, cảnh nóng lại đến bất ngờ khiến bố mẹ không kịp trở tay khi các con cũng ngồi trước màn hình TV”, ” Phim Việt đi theo lối mòn ngoại tình, đánh ghen, khóc lóc nên xem nhiều cũng nhàm. Nhân vật dằn mặt, mạt sát nhau, người lớn hả hê nhưng phải đề phòng con trẻ xem và học theo”, “Phim nhiều cảnh nóng, các con tò mò hỏi rất kỹ nhưng bố mẹ không biết giải thích ra sao”,… – khán giả bình luận.
Khai thác tiết chế, tránh phản cảm
Dán nhãn phim truyền hình là một trong những biện pháp giảm thiểu tranh cãi và tác động xấu của cảnh nhạy cảm, bạo lực hay nội dung không phù hợp.
Năm 2018, VTV quyết định dán nhãn 18+ và cảnh báo nội dung nhạy cảm cho khán giả dưới 18 tuổi khi phát sóng Quỳnh Búp Bê. Tuy nhiên, sau phim này, câu chuyện dán nhãn bị bỏ ngỏ.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy từng chia sẻ ngoài dán nhãn cảnh báo, cần định hình rõ kênh/khung giờ phim và các chương trình dành cho tuổi vị thành niên cũng cần được tính đến.
“Việc dán nhãn và phân chia khung giờ là cách hợp lý để trẻ có hệ sinh thái giải trí trên truyền hình, đồng thời gia đình cũng dễ định hướng và quản lý. Mặt khác, đây là phương án tạo thuận lợi cho những người làm công tác sản xuất phim. Ở mảng truyền hình , rất khó để có thể sản xuất một bộ phim về đề tài hình sự, tình cảm, giật gân… cho khán giả ở mọi độ tuổi thưởng thức cùng lúc”, anh chia sẻ với Tiền Phong.
Một đạo diễn kỳ cựu nêu quan điểm, sự xuất hiện của cảnh nóng không phải điều gì quá to tát. Tuy nhiên việc khai thác cần có chừng mực và thẩm mỹ cao.
Thực tế, cảnh nóng, cảnh bạo lực trên truyền hình được tiết chế ở một giới hạn nhất định so với phim điện ảnh, phim chiếu mạng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023, quy định không chỉ dán nhãn đối với phim chiếu rạp mà còn yêu cầu hiển thị cảnh báo đối với phim truyền hình, phim chiếu mạng.
Theo Thu An (Tiền Phong)