Hạt vừng (mè) là một trong những thực phẩm phổ biến cổ xưa nhất, đã được sử dụng hàng ngàn năm để tạo hương vị cho thực phẩm. Tuy nhiên vừng còn có những lợi ích tuyệt vời khác đối với sức khỏe mà không phải ai cũng biết.
1. Giá trị dinh dưỡng của hạt vừng
Vừng (mè) là một trong những loại hạt chứa hàm lượng dầu cao nhất và có hương vị đậm đà, béo ngậy, đó là lý do tại sao dầu mè và bản thân loại hạt này một trong những nguyên liệu phổ biến trong các món ăn trên khắp thế giới.
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, hạt vừng chứa tới 60% dầu và 20% protein , khiến chúng trở thành nguồn cung cấp nhiều axit béo và axit amin thiết yếu cho cơ thể.
Dầu mè cũng chứa hai hợp chất phenolic khác là sesamol và sesaminol được hình thành trong quá trình tinh chế.
Hạt vừng chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu.
Mỗi khẩu phần dinh dưỡng từ hạt vừng chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm lượng lớn protein, đồng, mangan, canxi… Chỉ một muỗng canh (khoảng 9g) hạt mè khô nguyên hạt có chứa khoảng:
- 51,6 calo
- 2,1g carbohydrate
- 1,6g chất đạm
- 4,5g chất béo
- 1,1g chất xơ
- 0,4mg đồng (18% giá trị hằng ngày – DV)
- 0,2mg mangan (11% DV)
- 87,8mg canxi (9% DV)
- 31,6mg magiê (8% DV)
- 1,3mg sắt (7% DV)
- 56,6mg phốt pho (6% DV)
- 0,7mg kẽm (5% DV)
- 0,1mg thiamine (5% DV)
- 0,1mg vitamin B6 (4% DV)
Ngoài các chất dinh dưỡng trên, hạt mè còn chứa một lượng nhỏ niacin, folate, riboflavin, selen và kali.
2. Nhiều lợi ích của hạt vừng với sức khỏe
Hạt vừng là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào cùng các khoáng chất quan trọng như đồng, mangan và canxi. Chất sắt có trong vừng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu và mệt mỏi. Vừng cũng cung cấp một lượng đồng cần thiết mỗi ngày để duy trì sức khỏe thần kinh, xương và quá trình trao đổi chất.
Vừng nằm trong danh sách thực phẩm có mức phytosterol cao giúp làm giảm cholesterol . Phytosterol là một loại dinh dưỡng thực vật hoặc sterol thực vật có cấu trúc tương tự như cholesterol hoạt động trong ruột. Chúng giúp loại bỏ cholesterol trong đường ruột, làm giảm lượng cholesterol có sẵn và có thể hấp thụ được.
Nghiên cứu cho thấy, hạt vừng có lợi cho phụ nữ sau mãn kinh nhờ khả năng tăng và điều chỉnh lượng hormone giới tính, cải thiện tình trạng chống oxy hóa và giúp kiểm soát mức cholesterol.
Một số hợp chất được tìm thấy trong vừng có thể giúp tăng cường đốt cháy chất béo. Ngoài ra, hạt vừng cũng có nhiều chất xơ giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Nó cũng có thể giữ cho lượng đường trong máu ổn định để ngăn chặn sự tăng đột biến dẫn đến cảm giác đói và thèm ăn gia tăng.
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, không chỉ giàu vitamin và khoáng chất, hạt vừng còn chứa một lượng lớn axit béo thiết yếu cần thiết cho sự hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Đó là lý do chúng ta nên thêm vừng, dầu mè vào danh sách thực phẩm trong chế độ ăn hằng ngày để được cung cấp nguồn chất béo lành mạnh giúp hấp thụ và sử dụng các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Trong y học cổ truyền phương Đông, hạt vừng còn là vị thuốc được dùng nhiều để chữa bệnh táo bón, tăng cường dinh dưỡng, lợi sữa, chữa thiếu máu, suy nhược thần kinh, suy giảm trí nhớ, mất ngủ…
Hạt vừng cũng có thể gây dị ứng.
3. Hạt vừng có thể gây dị ứng không?
Mặc dù là một thực phẩm rất phổ biến nhưng hạt vừng cũng có nguy cơ dị ứng cao. Dị ứng với hạt vừng không phải là vấn đề mới, dị ứng vừng được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1950, nhưng có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Mới đây, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thêm hạt vừng vào danh sách 9 chất gây dị ứng thực phẩm chính có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Theo cơ quan này, việc thêm vừng vào danh sách các chất gây dị ứng chính sẽ giúp những người bị dị ứng thận trọng hơn.
Dị ứng hạt vừng có thể xảy ra với mọi người ở các lứa tuổi, có thể bao gồm các dấu hiệu như: Phát ban; ngứa, ngứa ran trong miệng hoặc cổ họng; nghẹt mũi; viêm da dị ứng, thậm chí sốc phản vệ.
Nghiên cứu cho thấy, các chất gây dị ứng vừng có cấu trúc sinh hóa tương tự như các chất gây dị ứng đậu phộng. Những người bị dị ứng vừng có nguy cơ bị dị ứng do ăn đậu phộng và ngược lại. Điều này được gọi là phản ứng chéo – khi một chất tương tự với chất khác và hệ thống miễn dịch phản ứng với cả hai như nhau.
Có thể cũng có phản ứng chéo giữa các chất gây dị ứng vừng và lúa mạch đen, kiwi, hạt anh túc và các loại hạt cây như quả óc chó đen, hạt điều, quả hồ trăn và hạt mắc ca. Do đó, những người bị dị ứng vừng nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ về những loại thực phẩm khác liên quan cần tránh.