Sau khi đoạt quán quân cuộc thi ‘Ca sĩ mặt nạ’ 2023, ‘Voi Bản Đôn’ Anh Tú chia sẻ nhiều cảm xúc, tâm tư với VietNamNet.
Đang say sự nghiệp, không muốn yêu đương cản trở
– Anh trông chờ chiến thắng này bao lâu rồi?
Từ chương trình Rap Việt, tôi được BTC mời từ mùa 1 nhưng bận tham gia Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, nhờ vậy có thêm 1 năm chiêm nghiệm, trau dồi.
Tôi không dám mơ chiến thắng, mục tiêu ban đầu là không bị loại ở vòng ngoài. Tôi không phải giọng ca xuất sắc, nổi trội nhưng may mắn được khán giả thương, bình chọn vào vòng trong.
Tôi cho phép bản thân tận hưởng niềm vui trong 2 tiếng, sau đó bắt tay vào dự án mới. Cuộc thi đã kết thúc, khán giả đang trông chờ Voi Bản Đôn sẽ làm gì tiếp theo.
Tôi nhận nhiều điều từ cuộc thi. Cô Hương Lan nói: “Con phải tiến xa hơn như vậy nữa, cô tin con” giúp tôi tự tin, mạnh mẽ hơn. Rất mong hai cô cháu sẽ kết nối lúc nào đó trong tương lai.
– “Chỉ vui trong 2 tiếng”, anh rút kinh nghiệm từ việc ‘ngủ quên’ trên chiến thắng trước đây?
Có thể! Sau khi sản phẩm đầu tay Cuộc sống em ổn không? tạo hit, rất lâu sau đó tôi mới có sản phẩm tiếp theo. Hoặc đơn giản, tôi ở tuổi 31 nhìn mọi thứ thực tế, không còn bay bổng như xưa.
Vào nghề với nhiều bỡ ngỡ ở tuổi không được phép như thế, tôi gặt hái được vài thành tựu như đoạt Á quân The Voice 2017, có bài hit trăm triệu lượt xem… rồi lại loay hoay. Sau giai đoạn im ắng đó, tôi tự trách mình, ép bản thân chọn dấn thân hoặc từ bỏ nghề, không được phép lông bông nữa.
Tôi tin làm nghề cứ hết mình và vô tư, cơ hội sẽ đến. Giống Ca sĩ mặt nạ, tôi tham gia Rap Việt với tâm thế nghệ sĩ mainstream mong muốn góp phần đưa nhạc underground đến gần đại chúng, không ngờ được yêu mến như vậy.
Nổi tiếng, tôi lao vào đi diễn kiếm tiền bù lại những năm tháng loay hoay. Hiện tại, tôi biết rõ khán giả thích điều gì ở mình. Tôi yêu khán giả nên không muốn họ đợi bài mới quá lâu.
– Những khoảng lặng trong sự nghiệp có bao nhiêu phần vì anh mải mê yêu đương?
Là người sống thiên về cảm xúc, tôi khó tránh việc yêu đương gây ảnh hưởng công việc. Bây giờ, tôi đang sôi sục hoài bão, muốn viết tiếp tuổi xuân của mình thật rực rỡ, huy hoàng để sau này không hối tiếc.
Và, dù sự nghiệp thế nào, trước sau gì tôi cũng lấy vợ. Tôi không xem đó là trách nhiệm nhưng sẽ đến lúc cần tổ ấm cho riêng mình.
Hơn cả vợ, tôi cần một người bạn đời biết đồng cảm, chia sẻ, không phán xét, không kiểm soát và để tôi sống là chính mình. Tôi tự thấy không tệ đến mức bị người thân cận phán xét. Yêu đương hay kết hôn không thể trở thành rào cản sự nghiệp của người đàn ông.
– Chẳng phải anh yêu chán chê nên mới nói mượt như thế?
Khách quan tôi không thể dành năng lượng đồng đều cho cả sự nghiệp và tình yêu. Tôi cũng như số đông, khó thể cân bằng cả hai. Khi cơ hội trước mắt và có được niềm tin từ khán giả, tôi không muốn bỏ lỡ vì bất kể điều gì nữa.
– Anh lặp đi lặp lại từ “rào cản”, không sợ bạn gái đọc được sẽ chạnh lòng?
Nếu có bạn gái, tôi tin cô ấy sẽ hiểu, đồng tình và ủng hộ mình nhất. Người phụ nữ nào chẳng mong người đàn ông của họ thành đạt. Nếu cô ấy chỉ phán xét và kiểm soát, chắc chắn không phải người bạn đời tôi đang tìm kiếm.
– Anh định phấn đấu trong bao nhiêu năm trước khi lập gia đình?
Lấy vợ là duyên số, tôi không thể biết chính xác khi nào. Nếu Trời cho duyên để tôi thương ai đó, muốn gắn bó và lập gia đình với cô ấy, tôi luôn luôn sẵn sàng. Quá trình tìm hiểu kéo dài bao lâu cũng được, quan trọng là chọn đúng người ký “khế ước trăm năm”.
Tìm thấy lại cậu bé Anh Tú yêu bố mẹ
– Gia đình cho anh điểm tựa tinh thần thế nào?
Tôi sinh ra trong gia đình có bố kinh doanh tiệc cưới, mẹ chụp ảnh, anh trai đánh đàn còn tôi hát đám cưới. Cuộc sống vất vả nhưng đầy tình yêu thương.
Từ bé, tôi đã đoạt rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở địa phương. Mẹ vốn luôn ủng hộ con trai theo nghề ca sĩ, đến năm tôi 18 tuổi lại dùng từ “xướng ca vô loài” để ngăn cản. Tôi không hiểu từ ấy có nghĩa gì, chỉ biết nó rất nặng nên thi vào ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Không chịu nổi cuộc sống không thuộc về mình, tôi bỏ, năm sau thi lại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Bố mẹ tôi ở quê chỉ nghe dân ca, bolero nên hơi sốc khi con trai vào Nam mặc lòe loẹt, tóc nhuộm bạch kim hát r&b, hiphop.
Rồi, họ cũng dần quen. Gia đình tôi có thêm niềm vui nho nhỏ mỗi khi con trai đạt được thành tựu nào đó trong sự nghiệp.
Chung kết Ca sĩ mặt nạ, bố mẹ và họ hàng có vào TP.HCM xem tôi biểu diễn. Mẹ ngại nên không chụp ảnh cùng, tôi hơi tiếc khoảnh khắc vô giá ấy lại không có bà.
– Khi sự nghiệp ổn định, anh lo cho gia đình ra sao?
Việc mua nhà, mua xe hẳn nhiên rồi nhưng quan trọng hơn tất cả là sự tỉnh ngộ. Lần đầu rời nhà lên Hà Nội học đại học, tôi như con chim sổ lồng, say mê cuộc sống tự do nên rất ít gọi hay về thăm gia đình.
29 tuổi, tôi về nhà, bất giác nhận ra bố già rồi. (khóc) Tôi tự trách mình rất nhiều và bỗng tìm thấy thằng bé Anh Tú từng yêu bố mẹ đến thế nào. Thằng bé ấy học cấp 3 vẫn nằng nặc đòi ngủ cùng mẹ và anh trai, chưa từng hỗn hào với bố mẹ.
Sau đó, tôi lập nhóm chat gia đình có bố, mẹ và gia đình anh trai, lần đầu phá vỡ bức tường ngăn cách để nói chuyện với bố nhiều hơn. Hằng ngày, chúng tôi nhắn cho nhau những điều nhạt nhẽo, vụn vặt mà vui ơi là vui.
Tôi tự hào khi tỉnh ngộ. Không chỉ bố mẹ, tôi cũng rất thương anh Hai – chàng trai ấm áp, tri kỷ lớn nhất đời tôi. Anh em tôi có thể chia sẻ nhau mọi chuyện trong cuộc sống.
Anh Hai đẹp trai, hát hay hơn tôi, chỉ không cao bằng. Năm đó, anh tôi thi đỗ trường nghệ thuật, đêm trước còn háo hức thu dọn đồ đạc bỗng hôm sau tuyên bố xanh rờn không học nữa.
Lúc ấy, tôi nghĩ anh ấy vớ vẩn, không nghiêm túc học hành. Mãi sau này, anh Hai mới thú thật: “Anh đi thì mày phải ở quê nối nghiệp bố. Anh quen chịu khổ rồi, để anh nhận”. Anh ấy dại dột thật, nhưng chắc vì thế mà được Trời cho một gia đình nhỏ êm ấm hạnh phúc.
‘Ngày mai người ta lấy chồng’ – ‘Voi Bản Đôn’ Anh Tú
Trước câu hỏi “Vì sao luôn nhắc đến ‘O Sen’ Ngọc Mai khi được hỏi về những người thầy trong đời?”, Anh Tú nói với VietNamNet: “Tôi theo học cô Mai khoảng 6 buổi từ trước khi cô thi Ca sĩ mặt nạ, tiếp thu nhiều điều hay không chỉ về chuyên môn mà cả lối sống. Với tôi, ‘một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy’, việc biết ơn không bao giờ thừa. Tôi khá sợ người vô ơn”.
Theo Gia Bảo (VietNamNet)