Câu chuyện cảm xúc và diễn xuất ấn tượng là những yếu tố giúp người xem cùng khóc cùng cười với Sáng Đèn.
Trong số các phim Tết năm nay, Sáng Đèn ở thế yếu khi không có ngôi sao lớn hay tên tuổi bảo chứng phòng vé nào, nội dung cũng không đậm tính giải trí hay yếu tố hiện đại. Song, câu chuyện gần gũi về một đoàn cải lương trong thời kỳ thoái trào lại mang đến rất nhiều cảm xúc với những người nghệ sĩ nghèo luôn hết mình vì nghệ thuật.
Sáng Đèn lấy bối cảnh giữa thập niên 1990 khi cải lương bắt đầu thoái trào. Đoàn hát Viễn Phương theo chân ông bầu (NSƯT Hữu Châu) đi khắp các tỉnh miền Tây để tìm khách. Dù nghèo khổ, họ vẫn rực lửa đam mê với nghề hát. Để rồi khi những biến cố liên tục ập đến, lần lượt những Vũ Lâm (Cao Minh Đạt), Kim Yến (Lê Phương), Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) hay Trúc Linh (Trúc Mây) buộc phải đưa ra những lựa chọn đau lòng.
Xuất phát từ Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, cải lương dần trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc trưng của những con người phương Nam chân chất. Vào thập niên 1960, cải lương hưng thịnh với hàng chục rạp hát và lò luyện ca sĩ. Những gánh hát rong ruổi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh với các đêm diễn đông nghẹt khán giả. Nhưng rồi vào thập niên 1990, cải lương dần đi vào thoái trào.
Và đây là những gì xảy ra với gánh hát Viễn Phương trong Sáng Đèn. Bộ phim không chỉ là sự hoài niệm cho những khán giả lớn tuổi mà còn tái hiện một cách rõ nét cho thế hệ người xem trẻ sau này biết đoàn cải lương đã từng hoạt động ra sao. Ngoài ông bầu chịu trách nhiệm thu chi, trả lương, ký hợp đồng, chọn điểm đến, quảng bá, họ còn có kép chính, kép phụ, má Hạnh (NSƯT Lê Thiện) là người lo ăn uống, kẻ chuẩn bị phục trang, thầy Cảnh Sơn (NS Chí Tâm) chuyên đánh đàn và dạy cho thế hệ diễn viên trẻ…
Nhiều phân cảnh hát cải lương được thực hiện khá công phu, bài bản hệt như một buổi diễn thực thụ với hậu kỳ, trang phục vô cùng chỉn chu. Các trích đoạn Quân Vương Và Thiếp, Đức Vương Ngô Quyền, Tiếng Trống Mê Linh… đều xuất hiện với nhiều cảm xúc hào hùng, bi tráng. Bên cạnh đó, hình ảnh đoàn hát cùng ăn, cùng ngủ từ tỉnh này sang tỉnh khác, cách đi xe máy dùng loa “quảng bá” cho bà con, hậu kỳ hiệu ứng lửa cháy, phi thân theo kiểu thủ công cũng được thể hiện rất thú vị.
“Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười”
Tên liveshow kỷ niệm 55 năm hoạt động nghệ thuật của NS Bạch Long như gói gọn tâm tư, tình cảm của những nghệ sĩ cải lương trong Sáng Đèn. Ở thời kỳ cải lương thoái trào, gánh Viễn Phương phải trải qua muôn vàn khó khăn. Họ có những đêm chỉ hơn chục khán giả đến xem. Thay vì cải lương, Viễn Phương còn phải diễn thêm cả tạp kỹ, tấu hề thì mới có khách mua vé. Cả kép chính như Kim Yến lẫn kép phụ Cảnh Thanh đều phải đi làm thêm để có tiền trang trải cho cả đoàn, người làm lao công, kẻ khuân vác…
Ấy vậy mà chẳng một ai phàn nàn, ca thán một lời mà chỉ mong mỗi đêm sân khấu đều “sáng đèn”, được mang lời ca tiếng hát đến với bà con. Đối với ông bầu hay mỗi thành viên của đoàn, niềm hạnh phúc là nhìn thấy ánh mắt chăm chú, nụ cười, giọt nước mắt của người xem. Cải lương không đơn giản chỉ là đam mê mà còn là cái nghề, cái nghiệp, là lời hứa với Tổ Nghiệp khi bước chân vào nghề.
Dù không có máu mủ, ruột rà, họ vẫn yêu thương nhau còn hơn là người thân trong gia đình. Xuyên suốt thời lượng, phim dần hé lộ quá khứ của từng người, kẻ lạc mất vợ con, người bỏ nhà theo đoàn hát, người lại chẳng còn ai thân thích. Những vui buồn, yêu thương, giận hờn cứ thế xuất hiện trong hành trình mang lời ca tiếng hát đến cho đời. Yếu tố hài hước được cài cắm nhẹ nhàng và duyên dáng qua những tình huống thường nhật, mối quan hệ giữa các thành viên trong đoàn.
Song, điểm mạnh của Sáng Đèn là yếu tố cảm xúc khi những biến cố ập đến với Viễn Phương. Một gánh hát nghèo liên tục đứng trước bờ vực “rã đoàn”. Để rồi nhiều người phải đưa ra quyết định đau lòng, hy sinh đam mê của mình để cứu đoàn. Có những lời yêu chưa kịp nói thành câu, có những trái tim tan vỡ khi đánh mất cái nghiệp mà mình coi như cuộc sống chỉ để người ở lại giữ giấc mơ.
Đáng tiếc là kịch bản phim vẫn còn nhiều tình tiết lan man không cần thiết. Nếu thẳng tay cắt gọn, tác phẩm sẽ trở nên cô đọng và thẳng mạch cảm xúc hơn. Ngoài ra, nhiều bi kịch xảy đến với Viễn Phương vẫn còn nặng tính sắp đặt, chưa đủ sức nặng cho thấy sự xuống dốc của cải lương.
Dàn diễn viên gạo cội lẫn trẻ đều xuất sắc
Dàn diễn viên chính của Sáng Đèn như Bạch Công Khanh, Cao Minh Đạt, Lê Phương, Trúc Mây đều là những cái tên xa lạ trên màn ảnh rộng mà chủ yếu góp mặt trong phim truyền hình. Lối diễn của họ cũng mang tính kịch hơn là điện ảnh nhưng hóa ra lại phù hợp một cách kỳ lạ với Sáng Đèn. Bởi lẽ nhân vật của họ đều là những nghệ sĩ cải lương, sống tình cảm và bản năng nên cách thể hiện cảm xúc có phần “lố” cũng là chuyện bình thường.
Từng người đều rất hợp vai. Trúc Linh vốn là con gái của kép chính trong đoàn. Trong một tai nạn trên sông, mẹ của Trúc Linh bỏ mạng để cứu con gái. Từ đó mà cô luôn chịu áp lực vì nghĩ mình không xứng đáng với sự hy sinh của mẹ. Cảnh Thanh là chàng kép phụ yêu nghề, không ngại khổ cực chỉ để được đứng trên sân khấu nhưng lại nhút nhát, chẳng dám ngỏ lời yêu. Kim Yến là nàng kép chính quá lứa lỡ thì với nhiều tâm sự và tình yêu và cuộc sống.
Ông bầu của NSƯT Hữu Châu là người có nhiều cảnh quay lấy nước mắt nhất. Trong lúc cải lương thoái trào, nhân vật luôn mang gánh nặng từ lời dặn dò của cha phải giữ gìn cái tên Viễn Phương từ thời hoàng kim. Nhưng trên hết thì khao khát của ông là được thấy khán giả cười khóc hằng đêm. Ông như một người cha, vừa phải vất vả chăm lo về kinh tế, vừa đóng vai người hòa giải cho mọi mâu thuẫn của đoàn mà chẳng lời oán than.
Những nhân vật của Tuấn Dũng, NSƯT Bạch Long, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long… đều là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh muôn màu, muôn vẻ về ngành nghệ thuật cải lương độc đáo và những nghệ sĩ nghèo luôn hết mình để sân khấu “sáng đèn”.
Chấm điểm: 3,5/5
Dù lấy đề tài cải lương xa lạ với khán giả đại chúng và không ngôi sao phòng vé, Sáng Đèn vẫn thành công giúp mọi người đồng cảm với từng nhân vật cũng như hiểu niềm đam mê, cái nghề, cái nghiệp của những nghệ sĩ thực thụ. Điện ảnh Việt cần nhiều hơn những tác phẩm gần gũi và cảm xúc như thế này thay vì những ý tưởng cao siêu, câu chuyện gây sốc rồi chẳng làm đến nơi đến chốn.
Theo Dạ Nguyệt (Phụ Nữ Số)