NSƯT Doãn Bằng – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ – người đứng sau hàng loạt vở diễn có sân khấu được thiết kế độc lạ vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Đây là danh sách mới nhất về phong tặng danh hiệu NSND đợt 2 năm 2023.
Danh sách đợt 1 thông qua và Chủ tịch nước ký ngày 22/6 có 77 nghệ sĩ được phong tặng. Tính cả hai danh sách, tổng cộng 119 nghệ sĩ được phong tặng NSND lần thứ 10 trong đó có NSƯT Doãn Bằng – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ – người đứng sau hàng loạt vở diễn có sân khấu được thiết kế đẹp mắt.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, NSƯT Doãn Bằng bày tỏ vui mừng vì những sáng tạo của mình được ghi nhận nhưng cũng không muốn nói nhiều vì “tôi không phải nghệ sĩ biểu diễn, chỉ đứng sau sân khấu thôi”.
Dù chỉ làm công việc sau sân khấu nhưng NSƯT Doãn Bằng là một trong số ít các họa sĩ dám dũng cảm chọn ngách hẹp và khó là thiết kế mỹ thuật sân khấu. Doãn Bằng đã ghi dấu ấn với hơn 300 vở diễn ở nhiều loại hình: kịch nói, cải lương, chèo, tuồng, rối…
Với anh, thiết kế sân khấu không những phải mang lại vẻ đẹp hình thức cho vở diễn mà cần góp phần tuyên ngôn cho tư tưởng của tác phẩm. Vì thế, bên cạnh năng lực hội họa, kỹ thuật trang trí, người họa sĩ phải có ý thức, sự am hiểu sâu sắc về sân khấu để những biểu tượng thiết kế có thể tương tác được với các thành tố của vở diễn, mang đến chất xúc tác cho sáng tạo của đạo diễn và tạo được những “sân chơi” hợp lý giúp diễn viên thoải mái tung tẩy, thăng hoa trên sân khấu.
Doãn Bằng coi mỗi vở diễn như cái cớ, như cơ hội để tìm kiếm lời giải thỏa mãn nỗi khao khát nghệ thuật của chính mình, cho nên mỗi lần đứng trước kịch bản sân khấu tựa như đứng trước hành trình tìm đến chân trời mới. Đó là lý do dù đã tham gia sáng tạo hàng trăm vở diễn, nhưng chưa vở nào của anh bị lặp lại về thiết kế.
Nghệ sĩ chia sẻ, trên hành trình ấy, anh không thể quên hai người thầy đã tạo ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy sáng tạo của anh. Đó là họa sĩ Bùi Tuấn Thanh – người mà anh theo học từ những năm cuối đại học tới nhiều năm sau ra trường, hướng dẫn anh cách tư duy, biểu đạt của hội họa. Người thứ hai là nhà văn Nguyễn Khắc Phục – tác giả của nhiều kịch bản sân khấu có tiếng vang, đã dạy anh kiến thức về triết học phương Đông, cách tiếp cận, chắt lọc những luồng tư tưởng trong xã hội để đưa vào tác phẩm…
NSƯT Doãn Bằng sinh năm 1969 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con trai đầu của cặp nghệ sĩ NSND Đỗ Doãn Châu và NSƯT Bích Thu.
Họa sĩ Doãn Bằng được thừa hưởng gen nghệ thuật từ gia đình. Anh học chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật sân khấu, khoa Thiết kế Mỹ thuật, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội khóa 8 và tốt nghiệp loại xuất sắc.
NSƯT Doãn Bằng được ghi nhận qua nhiều giải thưởng trong các hội diễn, liên hoan sân khấu như HCV cho các vở diễn: Đất làng (Nhà hát Chèo Thái Bình, 2011), Mê cung (Nhà hát Cải lương Việt Nam, 2012), Mùa hạ cay đắng (Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, 2012)… cùng giải họa sĩ thiết kế xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (2013) và Hội diễn Nghệ thuật toàn quân (2014)…
NSƯT Doãn Bằng tham gia cả trăm vở diễn sân khấu, có thể kể đến các vở đa dạng phong cách như: Tìm gạo (2008), Mùa hạ cay đắng (2012), Nguồn sáng phía chân trời (2012), Sau lưng là cả bầu trời, Quan thanh tra (2015), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (2016), Ngạ quỷ (2016), Vua Phật, Ni sư Hương Tràng (2017), Thầy Ba Đợi (2018), Chiếc áo thiên nga (2018), Quẫn (2018), Bông cúc xanh trên đầm lầy (2018), Người đi tìm minh chủ (2019), Đợi đến mùa xuân (2020), Người tốt nhà số 5 (2020)…
Mới đây nhất, hồi tháng 8/2023, NSƯT Doãn Bằng là người chịu trách nhiệm chính trong thiết kế sân khấu chương trình đêm thơ nhạc kịch Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi kỷ niệm 75 năm ngày sinh, 35 năm ngày mất nhà thơ – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Theo Tình Lê (VietNamNet)