Phan Quỳnh Vân ra về với phần thưởng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, điều khán giả tìm ra sau đó khiến tranh cãi nổ ra.
Vua Tiếng Việt là show đố vui kiến thức nhận được nhiều sự quan tâm. Những câu đố Tiếng Việt xoay quanh việc ghép từ, xác định động từ – tính từ – danh từ… gay cấn, hấp dẫn, giúp bổ sung kiến thức về tiếng mẹ đẻ và mang lại những giây phút thư giãn cho khán giả.
Dù vậy, không ít lần Vua Tiếng Việt gây tranh cãi vì sai lỗi chính tả hoặc có đáp án chưa chính xác. Chẳng hạn mới đây, chương trình Vua tiếng Việt mùa 3 tập 3 phát sóng tối 15/3 trên VTV3 liên quan đến hai chữ “hể hả” và “hỉ hả” cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Trong vòng này, ở hàng ngang thứ hai, có tổng cộng bốn chữ cái. Chương trình đưa ra gợi ý hai chữ cái là “H” và “Ả” và cho biết, đây là một tính từ, thể hiện sự “vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý”. Rất nhanh chóng, thí sinh đưa ra câu trả lời là “hỉ hả”. Tuy nhiên, đáp án mà chương trình đưa ra là “hể hả”. Phan Quỳnh Vân ra về với phần thưởng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, có khán giả phát hiện “hỉ hả” và “hể hả” là hai từ có nghĩa tương đương nhau.
Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998), trang 418, từ “hể hả” được giải nghĩa là “vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý”. Chẳng hạn: Nói cười hể hả; Xong việc, mọi người hể hả ra về. Tiếp tục tra từ “hỉ hả” ở trang 420, từ điển ghi “như hể hả”.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho hay “hể hả” và “hỉ hả” là hai từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, do cấu tạo nguyên âm “i” ở đây nên khi đọc lên, “hỉ hả” không biểu lộ mạnh mẽ ra ngoài như từ “hể hả”. “Nếu tôi ngồi ở ban cố vấn, tôi vẫn chấm câu trả lời của thí sinh này đạt yêu cầu”, ông phát biểu.
Ông Thông cũng lưu ý thêm khi xảy ra trường hợp dạng này, trước khi công bố đáp án, chương trình và ban cố vấn nên hội ý kỹ càng, thậm chí tham vấn các ý kiến bên ngoài nếu cần thiết. “Luôn có sai số. Giám khảo hay cố vấn cũng có lúc cần sự trợ giúp”, ông chia sẻ.
Trước đó, trong phần thi của thí sinh Đỗ Văn Tăng ở tập 28 (phát sóng 14/4/2023), câu hỏi yêu cầu người chơi chọn từ viết đúng chính tả giữa hai phương án “trậm trễ” hay “chậm chễ”. Người chơi chọn “chậm chễ” và MC khẳng định đáp án người chơi đưa ra là chính xác. Phần thi của thí sinh tiếp tục diễn ra bình thường.
Cả hai cách viết chương trình đưa ra đều không chính xác. Từ điển tiếng Việt chỉ có từ “chậm trễ”. Từ “chậm” có nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định). Từ “trễ” cũng có nghĩa là chậm, muộn. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cho biết lỗi sai của chương trình được một bạn đọc phát hiện, sau đó chụp ảnh màn hình và đăng kèm với bình luận trong bài viết của anh.
“Theo tôi, phía nhà sản xuất chương trình không đính chính kịp thời. Sau khi chương trình phát trực tiếp, đáng lẽ bộ phận biên tập phải cắt sửa chỗ sai trước khi đưa lên YouTube, nhưng họ vẫn để nguyên”, ông Hoàng Tuấn Công nói.
Nội dung đính chính chỉ là dòng chữ chạy phía dưới màn hình. Hơn nữa, một số kênh khác khi phát chương trình này lại không có dòng đính chính.
Một cố vấn của chương trình Vua Tiếng Việt tập 28 thừa nhận lỗi sai chính tả đáng tiếc mà người xem truyền hình đã phát hiện. Người này cho biết ban cố vấn đã góp ý cho lỗi sai nhưng có lẽ vì một lỗi kỹ thuật nào đó mà lỗi sai chính tả vẫn không được khắc phục khi phát sóng. Sau khi phát hiện lỗi của chương trình, nhiều khán giả cho rằng game show về tiếng Việt đã mắc lỗi sơ đẳng, gây hoang mang cho người xem và cả thí sinh.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Số)