Rối loạn tâm thần rất phổ biến: Năm 2019, tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần.
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất: theo WHO cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước; rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng nữ nhiều hơn nam và lứa tuổi phổ biến vào khoảng 18-45 tuổi. Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến khoảng 163 triệu người (2% dân số thế giới) vào năm 2017; mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người); trong đó trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số. Một thống kê khác của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Mối liên quan giữa trầm cảm và bệnh tim mạch:
Trầm cảm và bệnh tim mạch được cho là có mối liên hệ 2 chiều:
– Người bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2, 3 lần so với người bình thường (khoảng 20-35%).
– Những đối tượng bị trầm cảm kèm theo bệnh tim mạch sẽ có khả năng tử vong gấp 3 lần so với những người khỏe mạnh.
Trầm cảm và suy tim:
– Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân suy tim gấp 4-5 lần so với cộng đồng (khoảng từ 35-38%).
– Với người bệnh suy tim, trầm cảm gắn liền với tình trạng sức khỏe kém, tần suất nhập viện cao, tỷ lệ tử vong cao.
Trầm cảm và nhồi máu cơ tim:
– Tỷ lệ mắc trầm cảm sau nhồi máu cơ tim từ cao từ 3-3,5 lần so với cộng đồng.
– Nếu sau khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh mắc phải chứng trầm cảm thì nguy cơ tử vong có thể gia tăng gấp 2 đến 3 lần so với những người bệnh không bị trầm cảm.
Trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
Dự phòng và điều trị các rối loạn tâm thần, trầm cảm:
Thực tế sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đang gia tăng. Vì vậy, WHO đã nhấn mạnh: “Việc cấp thiết hiện nay là dành sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần, đặt sức khỏe tâm thần ngang hàng với sức khỏe thể chất“.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tham gia các khoá tâm lý trị liệu thì người bệnh nên thực hiện thay đổi lối sống để nâng cao sức khỏe, giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa và tích cực hơn.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, người thân và bạn bè xung quanh.
10 hành động Bộ Y tế khuyến cáo để dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần:
1: Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân.
2: Tăng cường hoạt động thể chất.
3: Ăn uống lành mạnh.
4: Nghỉ ngơi đầy đủ.
5: Sử dụng đồ uống hợp lý.
6: Giữ liên lạc với mọi người xung quanh.
7: Làm những công việc mà mình có khả năng.
8: Chấp nhận bản thân dù bạn là ai.
9: Đề nghị sự trợ giúp khi cần.
10: Quan tâm đến những người khác.
GS. TS. Phạm Mạnh Hùng
Dự án phòng chống bệnh tim mạch
Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai