Nhiều ý kiến đánh giá phim “Mai” của Trấn Thành có một số điểm tương đồng với “Ký sinh trùng” của Bong Joon Ho. Đặc biệt, chủ đề phân biệt giai cấp được cài cắm rõ ràng trong cả hai tác phẩm.
(*) Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Phim Mai – Trấn Thành đạo diễn – không chỉ thắng lớn khi ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2024 mà còn lập kỷ lục doanh thu. Hiện tác phẩm đạt hơn 480 tỷ đồng, vượt mặt Nhà bà Nữ để trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Nhiều ý kiến đánh giá phim của Trấn Thành học hỏi phong cách, kỹ thuật từ các dự án quốc tế. Trong đó, Ký sinh trùng (Tựa quốc tế: Parasite) – Bong Joon Ho đạo diễn – là cái tên được nhắc đến khá nhiều.
Sự chênh lệch giai cấp
Nội dung Mai xoay quanh cuộc đời Mai (Phương Anh Đào) – một phụ nữ 37 tuổi làm nghề massage, từng chịu nhiều tổn thương trong quá khứ.
Cuộc sống của Mai bỗng chốc thay đổi khi cô gặp gỡ và yêu Trùng Dương (Tuấn Trần) – chàng nhạc công trẻ trung, nhiệt huyết, thua cô nhiều tuổi.
Tuy nhiên, mối quan hệ của họ gặp phải nhiều thử thách khi mẹ Dương (Hồng Đào) không chấp nhận Mai vì xuất thân và quá khứ của cô.
Thông qua chuyện tình của nhân vật chính, Trấn Thành muốn gửi gắm nhiều thông điệp. Chẳng hạn như khao khát tình yêu của phụ nữ U40, sự hy sinh của người mẹ, góc khuất nghề massage…
Bên cạnh đó, phim cũng khai thác chủ đề chênh lệch giai cấp. Sự khác biệt giữa các tầng lớp trong xã hội được thể hiện rõ ràng qua mối quan hệ giữa Mai – mẹ Dương.
Ban đầu, mẹ Dương được mô tả như là một vị khách VIP hào phóng, thường xuyên ghé nơi Mai làm và dần quen thân với cô. Bà sẵn sàng chi tiền để trả nợ cho cha Mai, kiếm việc làm cho con gái Mai, động viên cô đừng ngần ngại yêu.
Nhưng khi phát hiện cô gái làm nghề massage quen với con mình, bà lập tức thay đổi 180 độ. Mâu thuẫn giữa hai nhân vật lên đến đỉnh điểm khi mẹ Dương dùng mọi chiêu trò để ngăn cản Mai đến với con trai bà, thậm chí phơi bày góc khuất của cô.
Vì xuất thân nghèo khó, Mai không được gia đình Dương đón nhận. Quá khứ nhiều vết xước của cô càng trở thành “gót chân Achilles” để người khác tấn công.
Chính chủ đề này khiến Mai gợi nhớ đến Ký sinh trùng – tác phẩm xoáy sâu vào sự cách biệt về giai cấp.
Một phim tập trung vào chuyện tình của cô gái làm nghề massage, phim kia kể về một gia đình thất nghiệp lừa đảo để được làm việc cho một gia đình giàu có.
Nhưng cả hai phim đều làm nổi bật được những bất công trong xã hội, với nhân vật chính nghèo khó phải chịu lép vế trước tầng lớp thượng lưu.
Ẩn dụ và những cú twist
Mai cũng được đánh giá là bước tiến của Trấn Thành trong vai trò đạo diễn. Anh có học hỏi nhiều kỹ thuật, cài cắm nhiều ẩn dụ để làm nổi bật thông điệp muốn gửi gắm.
Mai bắt đầu khi nhân vật chính chuyển đến một chung cư cũ kỹ. Nơi này tập trung nhiều hộ gia đình nhưng chủ yếu là người lao động nghèo. Trong khi đó, Ký sinh trùng mở màn bằng hình ảnh căn biệt thự sang trọng tượng trưng cho sự xa hoa của giới thượng lưu.
Một hình ảnh được nhắc đến trong Ký sinh trùng là chiếc cầu thang – ẩn dụ cho sự phân biệt giai cấp và những rào cản xã hội trong xã hội Hàn Quốc.
Trùng hợp là để đi đến căn hộ của mình, Mai cũng phải leo lên nhiều bậc cầu thang. Khi muốn thoát ra khỏi chung cư cũ kỹ và tồi tàn, cô phải lội bộ xuống từng tầng, lần lượt đối mặt với từng người chẳng hề thích mình.
Ngoài ra, Mai còn dùng nhiều ẩn dụ khác như hình ảnh hai chú cá bị nhốt, những con quỷ trong tâm trí Mai hay kết phim…
Gần nhất, Trấn Thành cũng lên tiếng giải thích về ý nghĩa tên nhân vật: “”Kế bên Mai là Bình Minh và Dương. Đều là ánh sáng của đời Mai. Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng. Bên kia là Trùng Dương, tuy là ánh dương nhưng sẽ bị trùng xuống”.
Bên cạnh đó, cả hai phim đều có những tình tiết bất ngờ, tạo kịch tính cho phim. Ký sinh trùng lồng ghép nhiều cú twist khiến khán giả không thể đoán trước diễn biến tiếp theo. Còn cú twist lớn nhất của Mai là khi mẹ Dương phát hiện Mai yêu con trai mình, để rồi dẫn đến nhiều mâu thuẫn sau đó.
Dù có một số điểm tương đồng, sẽ thật khập khiễng nếu đặt các dự án lên bàn cân. Bởi lẽ, Mai là một bộ phim tình cảm đan xen các yếu tố hài hước, cảm động, trong khi Ký sinh trùng là một bộ phim châm biếm, đen tối có màu sắc giật gân, rùng rợn.
Phim của Bong Joon Ho cân bằng tốt yếu tố thương mại và nghệ thuật, thu hơn 260 triệu USD toàn cầu, chinh phục được nhiều giải thưởng danh giá như Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 và bốn tượng vàng Oscar 2020, bao gồm Phim hay nhất.
Trong khi đó, phim của Trấn Thành vẫn thuộc dòng thương mại, một dự án được “đo ni đóng giày” để chiếu Tết – thời điểm nhu cầu giải trí của khán giả tăng cao.
Dẫu sao, cả hai phim đều đã chạm được đến những đối tượng khán giả của riêng mình và có những thành tích tốt về doanh thu.
Thành công của Mai vẫn là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh nước nhà. Nó góp phần nâng cao vị thế của phim Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời hứa hẹn mở ra nhiều dự án chất lượng tốt hơn trong tương lai.
Theo Minh Nhật (Tiền Phong)