Do thể trạng khác nhau nên nhiều người ăn mãi vẫn không thể tăng cân còn có người cố gắng kiêng khem, luyện tập nhưng vẫn khó giảm cân.
Tôi ăn rất nhiều nhưng cơ thể vẫn gầy guộc, xanh xao. Trong khi đó, bạn bè xung quanh lại khổ sở giảm cân. Xin bác sĩ cho tôi biết, tại sao nhiều người thấy mình ăn ít, thậm chí chỉ uống nước vẫn mập nhưng ngược lại nhiều người lại ăn uống thoải mái, ăn nhiều vẫn không thể tăng cân? (Nguyễn Như Hằng, Thanh Xuân, Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiễm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tư vấn:
Sự khác nhau trong cân nặng của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, cơ địa, lối sống và chế độ ăn uống .
Thứ nhất, tố chất di truyền: Một số người có cơ địa nhanh chóng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và khó tích trữ dưới dạng mỡ, trong khi đó, những người khác có cơ địa chậm hơn và dễ dàng tích trữ mỡ. Một số người có khối lượng cơ lớn hơn, do đó cần nhiều năng lượng để duy trì hoạt động của khối cơ hàng ngày. Những người này có thể dễ dàng tiêu thụ nhiều calo hơn mà không tăng cân.
Có nhiều yếu tố để quyết định cân nặng của một người từ di truyền, tốc độ trao đổi chất…
Thứ ba, tốc độ trao đổi chất cơ bản: Đây là mức độ calo mà cơ thể bạn tiêu thụ để duy trì các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, và duy trì nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn có tốc độ trao đổi chất cơ bản nhanh hơn, bạn sẽ đốt cháy calo nhiều hơn và dễ giảm cân hơn. Ngược lại, nếu bạn có tốc độ trao đổi chất chậm, bạn sẽ đốt cháy calo ít hơn và dễ tăng cân. Cơ bắp có tốc độ trao đổi chất cơ bản lớn hơn nhiều so với tổ chức mỡ, nên người có khối cơ phát triển sẽ ít khả năng bị thừa cân, béo phì.
Thứ tư, chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống không cân đối hoặc ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo và đường có thể dẫn đến tăng cân. Nếu bạn ăn ít nhưng chế độ ăn uống của bạn không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, bạn có thể cảm thấy đói và không có đủ năng lượng để vận động.
Thậm chí, khi bạn ăn nhiều nhưng thành phần dinh dưỡng không cân đối, thiếu một số chất thiết yếu cho nhu cầu cơ thể, bạn vẫn luôn cảm thấy đói và nhu cầu ăn, nhưng những chất bạn ăn vào lại không cần thiết nên đã chuyển thành mỡ dự trữ, những chất cơ thể cần lại không được cung cấp vì không có trong thành phần thức ăn của bạn
Thứ năm, tình trạng sức khỏe: Một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa và tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa của cơ thể và làm tăng nguy cơ tăng cân.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình ăn ít nhưng vẫn mập hoặc ăn nhiều vẫn không tăng cân, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về cơ địa và lối sống và đưa ra chế độ ăn uống, lối sống phù hợp giúp bạn để duy trì cân nặng, sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, bạn luôn phải nhớ rằng, bạn chỉ có thể tăng cân khi năng lượng từ thức ăn đưa vào cơ thể bạn cao hơn năng lượng bạn đã tiêu thụ bao gồm năng lượng cho trao đổi chất và năng lượng cho các hoạt động thể chất.